Trang chủ
 

Theo quy định mới, muốn đưa người nghiện vào trung tâm điều trị phải mất 6 tháng làm thủ tục bởi phải qua các ngành y tế, công an, lao động và cuối cùng phải có quyết định của tòa án.


Tại buổi thảo luận tổ, kỳ họp thứ 14, HĐND TP HCM khóa VIII chiều 8/7, giám đốc Sở Lao động Trần Trung Dũng cho biết trên địa bàn thành phố có 8.600 người nghiện đang điều trị ở cơ sở cai nghiện bắt buộc; 3.200 người đang được quản lý ở cộng đồng, trong số này chỉ có 2.200 người có việc làm.



Giám đốc Sở Lao động TP HCM Trần Trung Dũng lo ngại sắp tới số lượng người nghiện ma túy trong cộng đồng sẽ tăng cao. Ảnh: Hữu Công.


Theo ông Dũng, trước đây việc đưa, gom người nghiện vào các trung tâm do công an thực hiện. Tuy nhiên, kể từ ngày Nghị định của Chính phủ quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực (1/1/2014), việc đưa những người nghiện ma túy vào các trung tâm trở nên khó khăn hơn. Theo đó, muốn đưa người nghiện vào trung tâm phải qua các ngành như y tế, công an, lao động và cuối cùng phải có quyết định của tòa án, thường mất 6 tháng làm thủ tục.

"Trong 6 tháng đầu năm không có người nghiện nào bị bắt buộc đưa vào trại vì thủ tục mới. Từ nay đến cuối năm có thể cũng như vậy. Trong khi đó, sẽ có khoảng 4.500 người ở các cơ sở cai nghiện bắt buộc tái hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi lo ngại số người nghiện ma túy sẽ gia tăng", ông Dũng nhận định.

Nhiều cử tri bày tỏ bức xúc với tình hình này và đặt câu hỏi liệu thành phố còn cách xử lý người nghiện tốt hơn không? Có nên xin Trung ương thực hiện tiếp Nghị quyết 16 của Quốc hội về thí điểm tổ chức, quản lý, dạy nghề cho người sau cai nghiện ở TP HCM và một số tỉnh thành như trước đây?.

"Theo chỉ đạo chung, chúng ta thực hiện chương trình cai nghiện ở cộng đồng và gia đình. Tuy nhiên, đa số phụ huynh cho biết sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng đưa con em đi cai nghiện bắt buộc. Lâu nay chưa có gia đình nào xin cho con ra khỏi trung tâm để về cai nghiện tại cộng đồng", ông Dũng nói.

Người đứng đầu ngành Lao động cho biết Sở đã tham mưu cho UBND thành phố tạm thời bổ sung công năng cho Trung tâm Tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu sẽ quản lý người nghiện trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. UBND thành phố cũng có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xin ý kiến nhưng chưa có phản hồi. Nếu Bộ đồng ý thì đây là trung tâm đầu tiên tiếp nhận người nghiện.



TP HCM sẽ mở điểm cai nghiện ở 24 quận huyện, người nghiện ma túy trên địa bàn chỉ cần đến bệnh viện quận huyện nơi mình sinh sống đăng ký để được điều trị. Ảnh: Thiên Chương.


"Thành phố cũng mở rộng phạm vi điều trị bệnh cai nghiện ma túy bằng Methadone tại tất cả các bệnh viện của 24 quận, huyện. Ngành lao động cũng như bên công an đang chờ hướng dẫn của Bộ Lao động để quản lý các em cai nghiện hiệu quả hơn", ông Dũng nói.

Theo tìm hiểu của VnExpress, do chưa có thông tư hướng dẫn từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên các địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý người nghiện. Cụ thể, Nghị định 221/2013 quy định, chủ tịch UBND cấp xã phải có quyết định giao người nghiện lang thang (không có nơi cư trú nhất định) cho tổ chức xã hội quản lý trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nhưng tổ chức xã hội nào quản lý người nghiện lang thang thì vẫn chưa có văn bản chỉ rõ.

Trong khi đó, nghị định này yêu cầu các tổ chức xã hội quản lý họ trong thời gian làm thủ tục, phải bảo đảm các điều kiện gần giống một cơ sở cai nghiện. Nghị định cũng yêu cầu hàng loạt tiêu chí về cơ sở vật chất như diện tích phòng ốc, thiết bị y tế, dụng cụ sinh hoạt…

Về nhân sự, nghị định yêu cầu phải có tối thiểu 4 người gồm: Phụ trách đơn vị điều trị cắt cơn là y, bác sĩ chuyên khoa Tâm thần hoặc đa khoa có chứng chỉ hành nghề theo quy định và có chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy; một y - bác sĩ điều trị; một điều dưỡng viên và một bảo vệ.

Tại TP HCM, theo quy trình trước đây, người nghiện ma túy lang thang sẽ được đưa vào lưu trú tạm thời tại Trung tâm Tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu. Đây là nơi có đủ đội ngũ cán bộ y tế, bảo vệ... để thực hiện công việc điều trị cắt cơn ban đầu. Thế nhưng khi việc cai nghiện ma túy được áp dụng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì nơi đây không còn tiếp nhận những người dạng này nữa. Trong khi đó, đến nay chưa có quận, huyện nào có thể đảm đương nổi một cơ sở lưu trú tạm thời với các điều kiện như trên.

Đăng nhận xét

 
Top