Trang chủ
 


Hiện đang có sự nhầm lẫn giữa giáo dục giới tính (GDGT) với giáo dục tình dục. GDGT không chỉ là việc dạy cách tránh thai thế nào cho hiệu quả mà bản chất của GDGT chính là giáo dục làm người, giáo dục tình người.
Tình trạng trẻ vị thành niên phá thai đáng báo động ở Việt Nam làm nhiều người liên tưởng giáo dục giới tính phải giúp các em tránh hậu quả này. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, giáo dục giới tính không phải là chuyện... tránh thai.

Giáo dục giới tính là… tránh thai!?

Theo thông tin được đề cập tại kỷ niệm Ngày Dân số thế giới diễn ra đầu tháng 7 ở TPHCM, Việt Nam hiện là một trong 5 nước có phụ nữ phá thai cao nhất thế giới, đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Trong đó, TP HCM được cho là có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất, đặc biệt là tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên có xu hướng tăng sau mỗi năm. Nếu năm 2010 tỷ lệ nữ vị thành niên phá thai là 2% trong tổng số ca nạo phá thai thì năm 2013, con số này đã tăng gấp đôi.



Phụ huynh tại TPHCM tham gia chuyên đề về giáo dục giới tính cho con trẻ.



Từ nỗi ám ảnh “tỷ lệ phá thai cao”, không ít ý kiến sốt sắng cho rằng phải thực hiện ngay các động thái giúp các em phòng tránh thai. Giáo dục giới tính (GDGT) lúc này còn được nhiều người hiểu thẳng thừng: là cách giúp các em biết phòng tránh thai, biết sử dụng bao cao su để tránh hậu quả phải nạo phá thai hay làm bố làm mẹ ngoài ý muốn.

Thông điệp, người lớn đừng lạc hậu, đừng cấm đoán nữa mà phải “vẽ đường cho hươu chạy” được nhắc đến nhiều hơn. Mà “vẽ đường” ở đây thường được hiểu theo cách là phòng tránh thai, quan hệ an toàn. Để lỡ có xảy ra chuyện gì thì cũng biết mà tránh được hậu quả như sự trấn an đến phụ huynh.

Ngay góc độ nhà trường, không ít lãnh đạo cũng nghĩ rằng đưa vào các chuyên đề về tình dục an toàn, phòng tránh thai nghĩa là đã GDGT cho các em.

Trong lần về Việt Nam trò chuyện với các bạn trẻ về nội dung "Tình yêu, tình dục dưới góc nhìn tâm lý, thâm thần”, Tiến sĩ Lương Cần Liêm, giảng viên trường ĐH Y khoa Paris (Pháp) chia sẻ qua các câu hỏi của các bạn trẻ, có thể nhận ra rằng các bạn đang được GDGT theo hướng “giải quyết phần ngọn”, chủ yếu làm sao để an toàn, tránh được hậu quả khi “hai bộ phận giao lưu với nhau”.

Trong khi, vấn đề cốt lõi là tình người và tình yêu thực sự thì các bạn trẻ cảm nhận rất mơ hồ, thậm chí có nhiều bạn có quan hệ tình dục nhưng không hiểu mình có yêu hay không.

Bản chất của GGDT

Không thể phủ nhận, việc những vấn đề được xem là nhạy cảm dần được tháo gỡ và ngày càng được đề cập cởi mở hơn là một tín hiệu vui. Việc trang bị cho các em kỹ năng để tránh được các hậu quả là vô cùng cần thiết nhất là khi quan niệm về tình dục đang nhiều xáo trộn như hiện nay.

Tuy nhiên, hiện đang có sự nhầm lẫn giữa GDGT với giáo dục tình dục. GDGT không chỉ là việc dạy dùng chiếc bao su hay cách tránh thai thế nào cho hiệu quả mà bản chất của GDGT chính là giáo dục làm người, giáo dục tình người.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm truyền thông Giáo dục sức khỏe TPHCM nhấn mạnh GDGT là một tiến trình suốt đời nhằm tiếp nhận thông tin, hình thành thái độ, xây dựng lòng tin nhằm trang bị kiến thức, hình thành nhân cách, tạo nên một nền tảng vững chắc cho sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản về sau. Nó bao gồm những hiểu biết về phát triển tính dục, các mối quan hệ, hình ảnh về thể chất và vai trò giới, về tình bạn, tình yêu, tình dục…



Ngay từ nhỏ, các em cần được giáo dục vấn đề cốt lõi về tình người, tình bạn, tình yêu. (Ảnh minh họa)



TS Lương Cần Liêm cho rằng, giáo dục tình cảm, tình người phải đặt trên giáo dục về kỹ năng, kỹ thuật. Trước hết, các bạn trẻ phải hiểu được rằng xuất phát từ tình người mới có tình yêu, và từ tình yêu mới dẫn đến tình dục thì mới tránh được những vội vã, sai lầm.

Ông bày tỏ: “Chỉ khi hiểu được vấn đề cốt lõi đó, mỗi người mới có sự chia sẻ, thông cảm, trân trọng lẫn nhau và có trách nhiệm hơn trước những hành vi của mình. Hơn nữa, khi hiểu điều đó các em mới biết chờ đợi tình yêu thật sự đến với mình”

Giáo dục kỹ năng là cần thiết nhưng nặng về kỹ thuật mà bỏ quên đi đạo đức, giá trị có thể dẫn đến hậu quả nguy hại các em cứ thích là làm tới. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy là nhiều học trò dễ dàng vượt rào và chỉ quan tâm làm sao tránh thai, "qua mặt" người lớn mà bỏ quên những giá trị tình cảm, văn hóa cũng như trách nhiệm của mình.

Đăng nhận xét

 
Top