Trang chủ
 

"Nếu tôi là ông bố đẻ ra đứa con suy dinh dưỡng, tôi vẫn phải đi mua sữa nuôi nó. Nhưng Bộ GD&ĐT thì đang vô cảm đối với các trường ngoài công lập dù đã đẻ ra nó", thầy Trần Xuân Nhĩ nói.

Sáng 19/12, Hiệp hội các trường ngoài công lập tổ chức hội thảo, kiến nghị gửi Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh 2013. Thầy Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội cho biết, những năm qua, các trường ngoài công lập đã góp công đào tạo nguồn nhân lực lớn cho xã hội, nhưng lại chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng.
Năm 2012, hàng loạt trường không tuyển đủ chỉ tiêu dù Bộ Giáo dục đã kéo dài thời gian tuyển đến cuối tháng 11. Như vậy nguồn tuyển không dồi dào như Bộ nói trước đó. "Có nhiều phụ huynh than thở với tôi con họ thi đại học thiếu 1-2 điểm, giờ không biết làm sao. Nếu để các cháu ở nhà, con trai có thể sa đà, nghiện ngập, ăn chơi, con gái hư hỏng. Cần có kiến nghị cấp cứu cho năm nay", thầy Nhĩ nói.
Năm nay, nhiều trường đại học không tuyển đủ chỉ tiêu, trong đó có cả các trường công lập. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng Trần Hữu Nghị cho biết, kết thúc thời hạn tuyển sinh ngày 30/11, ĐH Dân lập Hải Phòng mới tuyển được trên 50% chỉ tiêu. Có nhiều trường ngoài công lập lâm vào tình trạng bi đát khi chỉ tuyển được 10-20%, thậm chí chỉ vài chục em.
"Đây là mùa tuyển sinh mất ổn định nhất. Suốt 15 năm qua chúng tôi chưa năm nào thiếu sinh viên, năm trước không tổ chức thi, chỉ lấy nguyện vọng 2 cũng đã đủ, nhưng năm nay thì nhiều ngành đứng trước nguy cơ phải đóng cửa", Hiệu trưởng Nghị nói và cho rằng trường ông có đầy đủ điều kiện học tập, nơi ở ổn định, thầy cô có chuyên môn nên không thể nói do trường kém mà sinh viên không vào.
Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học của Hiệp hội Lê Viết Khuyến cho biết, ông từng có gần 20 năm làm vụ phó vụ đại học nên mọi "thủ thuật" tuyển sinh ông đều biết. Trong vài năm nữa, nếu vẫn tuyển như bây giờ thì các trường sẽ tự chết.
"Nếu nói các trường tuyển sinh thiếu do quản lý không tốt thì không đúng bởi lãnh đạo đa số nguyên là hiệu trưởng các trường đại học lớn, hay người có kinh nghiệm như GS Đặng Hữu, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, giáo viên các trường cũng rất tốt như ĐH Tân Tạo có nhiều giáo sư từ Mỹ về, nhưng họ chỉ tuyển được 30 sinh viên", ông Khuyến nói.
Lý giải nguyên nhân không thể tuyển đủ chỉ tiêu, thầy Trần Hữu Nghị cho rằng, trước tiên là việc xác định điểm sàn chưa chính xác và không thực tế. Hội đồng điểm sàn cho rằng số thí sinh trên điểm sàn đủ đảm bảo cung cấp cho các trường, thế nhưng đến hạn chót, các trường vẫn không tuyển đủ, trong đó có nhiều trường công lập.
Hơn nữa, các trường công lập có quyền hạ điểm chuẩn xuống thấp, có trường chỉ lấy bằng điểm sàn nên thí sinh sẽ nộp vào những trường đó với tâm lý đó là trường danh giá, cơ sở vật chất tốt hơn. Các trường ngoài công lập lại càng không có cách gì để kéo thí sinh vào trường mình.
Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng Trần Hữu Nghị kiến nghị cần có điểm sàn để chọn học sinh vào học các trường đại học công lập. Ảnh: Hoàng Thùy.
Theo hiệu trưởng Nghị, việc cấp cho thí sinh hai giấy chứng nhận kết quả thi, các em được quyền photo gửi nguyện vọng ở nhiều trường cũng khiến trường mất ổn định. Thời gian tuyển sinh kéo dài ba tháng nên một số em có thể đến nhập học ở trường dân lập, khi trường công lập gọi trúng tuyển nguyện vọng thì các em lại đi. Điều này khiến trường nơm nớp lo mất sinh viên.
"Nếu có quy định điểm sàn cho thí sinh được nhà nước bao cấp như: trên 20 điểm được vào học đại học công lập, dưới 20 điểm học ngoài công lập thì sẽ công bằng hơn. Nếu cứ để trường công lập thoải mái hạ điểm chuẩn xuống đến sàn thì sẽ mất công bằng khi các em có cùng điểm thi lại phải chịu mức học phí khác nhau", thầy Nghị đề xuất.
Nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Nguyễn Văn Hùng đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam tuyển sinh lại khó thế? Khi còn là hiệu trưởng trường công năm 2007, thầy đã nêu ý kiến về sự mất công bằng trong giáo dục. Hai học sinh chỉ chênh nhau 0,5 điểm, nhưng một em được vào trường công lập, được bao cấp còn em kia thì không.
"Học phí công lập ngày càng tăng trong khi được nhà nước đầu tư, còn ngoài công lập phải đi vay để xây dựng cơ sở vật chất. Chúng ta đang vi phạm quyền của các em bởi theo quyền con người thì mọi người sinh ra đều có quyền được học tập. Tại sao không hỗ trợ cho các em học ngoài học công lập 10-20% học phí?", thầy Hùng nói.
Thầy cũng đề xuất, không nên khai giảng cứng vào tháng 9 và mỗi năm có thể thi đại học 2-3 lần để các em trượt không bị gián đoạn, hoặc các trường công lập tuyển sinh tháng 9, ngoài công lập tuyển sinh tháng 3.
Thầy Trần Xuân Nhĩ thì kiến nghị việc cấp bách Bộ có thể làm là cho các trường còn chỉ tiêu, còn thầy thì tuyển sinh cho đủ. Điểm có thể thấp hơn sàn nhưng cho các em vào hệ dự bị, sau đó kiểm tra kiến thức để cho vào chính thức. Như vậy sẽ tận dụng được thầy, cơ sở vật chất, không bị lãng phí tiền của và nguồn nhân lực.
Vị phó chủ tịch Hiệp hội dẫn chứng, trước đây khi được giao quản lý một trường ở Đà Nẵng, chỉ tiêu được giao thì nhiều mà số sinh viên ít. Thầy ra tận miền Bắc để chiêu sinh, điểm thấp hơn một chút, nhưng sau đó vẫn có nhiều người thành thạc sĩ, tiến sĩ, làm lãnh đạo các sở.
"Nếu tôi là ông bố đẻ ra đứa con suy dinh dưỡng, tôi vẫn phải đi mua sữa nuôi dưỡng nó. Nhưng Bộ thì đang hoàn toàn vô cảm đối với các trường ngoài công lập dù đã đẻ ra nó", thầy Nhĩ nói.
Hoàng Thùy

Đăng nhận xét

 
Top