Trang chủ
 


Ngày 5/3, Bộ GD&ĐT đã họp cùng Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập để “quyết định” số phận một số trường trước nguy cơ tan rã, nợ nần.

Mất lòng tin ở trường dân lập? 1
Có thể điểm đầu vào thấp nhưng sinh viên ngoài công lập nếu biết cố gắng cũng “đánh đổ” được sinh viên trường công lập.
Ảnh: N.Hạnh
Mặc dù không có văn bản nào cấm đoán nhưng thực tế các đơn vị tuyển dụng đang “ưu ái” sinh viên có bằng ĐH công lập hơn dân lập, khiến các trường này ngày càng khó khăn trong việc tuyển sinh.
Doanh nghiệp “kì thị”
Tốt nghiệp một trường đại học dân lập tại Hải Phòng vào năm 2012, Huỳnh Thị Hậu (Ninh Giang, Hải Dương) khăn gói lên Hà Nội kiếm việc làm. Đầu tiên, em lướt mạng tìm các cơ sở tuyển dụng. Một đơn vị khảo sát giáo dục nhìn thấy tấm bằng dân lập của Hậu đã lắc đầu từ chối ngay lập tức. Hậu quay sang khối doanh nghiệp nhưng tấm bằng kế toán dân lập của em cũng không được đón nhận mặn mà vì lãnh đạo ở đây giải thích, họ cần tấm bằng chuyên ngành này ở một số trường công có tiếng tại Hà Nội. Công việc Hậu tìm được sau đó chỉ đơn thuần như: làm kế toán cho cửa hàng chăn ga gối đệm, kế toán cho cửa hàng bán nước tinh khiết, làm sổ sách bán hàng ở quán cà phê… Sau hơn nửa năm nhọc nhằn kiếm tìm ở Thủ đô, thay đổi gần chục chỗ làm, Hậu quyết định về quê xin làm kế toán hợp đồng cho một trường tiểu học.
Trong đợt thi công chức cách đây vài năm, tỉnh Nam Định thông báo chỉ nhận người tốt nghiệp các trường ĐH công lập. Có 5 người học dân lập bị loại ngay từ vòng nộp hồ sơ. Theo giải thích của lãnh đạo tỉnh này, ở những vị trí tỉnh đang tuyển dụng cần người giỏi, còn những người qua đào tạo dân lập chưa tạo được lòng tin. Đà Nẵng cũng vậy, trước đây thành phố không nhận đối tượng là sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc… Những chuyện này đã dấy lên làn sóng phản đối dữ dội từ dư luận vì cho rằng làm như vậy là mất công bằng và không đúng giá trị hiện hành về mặt bằng cấp.
GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lý giải, chất lượng thấp là do chúng ta đang mở ồ ạt các trường ĐH, CĐ. Vì vậy, đầu vào thấp nên dư luận không tin vào chất lượng đào tạo của các trường dân lập, dẫn đến việc không nhận sinh viên ngoài công lập. Tuy nhiên, các đơn vị nên nhận người dựa trên tiêu chí năng lực, không nên dựa vào bằng cấp bởi tất cả trường công lập hay ngoài công lập đều do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và do Bộ GD&ĐT quản lý về mặt chuyên môn. Sinh viên đã học xong 4 năm đại học và bằng tốt nghiệp do Hiệu trưởng trường cấp theo quy định nhà nước thì nên được đối xử công bằng, đúng tính pháp chế của nhà nước.
Chất lượng là do người học
Lãnh đạo ĐH dân lập Lương Thế Vinh (nơi có một sinh viên bị gạt khỏi danh sách dự tuyển công chức tỉnh Nam Định trước đây) cho rằng, chất lượng đào tạo giữa trường công và trường dân lập đang là vấn đề bàn cãi, chưa chính xác. Chất lượng hay không là do người học. Có thể điểm đầu vào trường dân lập thấp nhưng sinh viên biết phấn đấu thì có thể đánh đổ sinh viên công lập.
Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết, không nên phân biệt đối xử với trường ngoài công lập và đánh đồng chất lượng của hệ trường này. Ông Nghị ví dụ, ĐH dân lập Hải Phòng có đầy đủ điều kiện học tập, nơi ở sinh viên ổn định, thầy cô có chuyên môn. Trường không ngừng đầu tư về phòng học, sân thể thao, nhà ở. Mỗi khóa, trường đều có lớp chất lượng cao. Riêng “khách sạn sinh viên” của trường có thể phục vụ khoảng 1.500 chỗ với các điều kiện wifi, Inernet miễn phí nên không thể nói trường đào tạo yếu kém. Cái chính là do cơ chế hiện nay với trường ngoài công lập chưa được công bằng và chính sách xét tuyển đang chưa hợp lý khiến hệ trường này thiếu nguồn tuyển.
Trước đó, phát biểu về sự phân biệt đối xử giữa các hình thức đào tạo của Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, có hàng trăm loại người và không phải cơ sở giáo dục đào tạo nào cũng đào tạo kém. Đà Nẵng có quyền tuyển chọn và quyền đó được tôn trọng. Nhưng việc đầu tiên của tuyển chọn là không nhìn vào bằng cấp mà nhìn vào năng lực có đáp ứng được tiêu chí đưa ra không. Vậy nên, quyết định trên đã chứng minh, đơn vị đó có nhìn vào thực tế không hay chỉ dựa vào bằng cấp để đánh giá. Ngay cả người học cũng có người này người khác và việc tuyển chọn cũng có ngành nọ ngành kia. Nếu nhìn nhận cực đoan như trên, chứng tỏ việc tuyển chọn đã không chuẩn và "có vấn đề" vì tuyển nhân lực phải dựa trên thực lực, không phải qua bằng cấp.

Đăng nhận xét

 
Top